Thông tin khoa học và hội thảo

Trần Văn Kham

Abstract


Hội thảo Khoa học quốc tế "Nghiên cứu và giảng dạy Ngôn ngữ học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

 Ngày 19/11/2016, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Nghiên cứu và giảng dạy Ngôn ngữ học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Ngôn ngữ học, 20 năm xây dựng và phát triển Khoa Ngôn ngữ học.

Tham dự hội thảo, về phía các cơ quan nghiên cứu, viện quản lý có GS Nguyễn Văn Hiệp-Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, GS.TS Lê Quang Thiêm-Chủ tịch hội Ngôn ngữ học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Khang- Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm-Chủ tịch Hội đồng Chức danh Ngôn ngữ-ngoại ngữ, GS.TS Đỗ Việt Hùng-Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội; về phía Trường ĐHKHXH&NV có PGS.TS Hoàng Anh Tuấn-Phó Hiệu trưởng Nhà trường; về phía Khoa Ngôn ngữ học có PGS. TS Nguyễn Văn Chính-Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học; cùng các nhà giáo lão thành, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên của Khoa.

Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi những nội dung nghiên cứu giảng dạy ngôn ngữ học và trình bày các kết quả nghiên cứu mới của mình. Đây cũng là cơ hội tốt để phát triển quan hệ hợp tác, nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa giữa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Hội thảo là một điểm nhấn đánh dấu sự phát triển của ngành Ngôn ngữ học chung và khoa Ngôn ngữ học nói riêng.

Trong phiên toàn thể, Hội thảo đã nghe và chia sẻ các phát biểu khai mạc của lãnh đạo trường, các báo cáo tham luận: "Giao tiếp của người Việt hiện nay với sự phân tầng xã hội (Một số vấn đề chung và khảo sát thăm dò)” của GS.TS Nguyễn Văn Khang-Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), "Cấu tạo và ngữ nghĩa của tục ngữ trong hành chức (Trên tự liệu truyện ngắn và lý thuyết)” của GS. TS Đỗ Thị Kim Liên (Khoa Ngữ văn- Đại học Vinh), “Các phạm trù từ loại có tính loại hình hay phổ quát? (Một số cách tiếp cận về từ loại trong hình học ngôn ngữ)” của PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Khoa Ngôn ngữ học-Trường ĐHKHXH&NV).

Sau phiên toàn thể, hội thảo diễn ra liên tục với 3 tiểu ban:

Tiểu ban 1: “Giảng dạy ngôn ngữ học, Việt ngữ học và tiếng Việt” với một số tham luận như: “Tầm quan trọng của phân tích diễn ngôn trong việc dạy và học ngôn ngữ”, “Ngôn ngữ học miêu tả mỹ học với việc dạy ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ”, “Tích hợp ngôn ngữ và văn hóa trong dạy học tác phẩm văn học dân gian ở trường phổ thông”, “Về thiết kế chương trình giảng dạy ngữ âm tiếng Việt cho người nước ngoài”….

Tiểu ban 2: “Những vấn đề ngôn ngữ học và Việt ngữ học” với một số tham luận như: “Bàn thêm về vai trò của hư từ tiếng Việt đối với vị tố trong cấu trúc nghĩa miêu tả của câu”, “Ferdinand de Saussure với quan điểm về cương vị của người bản ngữ”, “Những dị biệt ở trung tâm danh ngữ tiếng Việt cổ-cận đại so với hiện nay”, “Giải mã nghĩa hàm ngôn trong giao tiếp mua bán”…

Tiểu ban 3: “Những vấn đề ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam và khu vực” với một số tham luận như: “Lợi ích của việc phân tích từ ngữ trong ‘Mo mường’ của người Mường ở Việt Nam”, “Tính từ chỉ màu sắc trong tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga”, “Chủ nghĩa cấu trúc và việc nghiên cứu ngôn ngữ học nhân chủng: Thử phân tích một vài trường hợp kiêng kị tên động vật trong ngôn ngữ”, “Đối chiếu ngữ âm tiếng Việt-tiếng Nhật và vấn đề giao thoa ngữ âm”…


Hội thảo Khoa học quốc tế “Hợp tác quốc tế vì phát triển nông thôn ở Việt Nam: Sự kết nối chính sách và thực tế”

Ngày 25/11/2016, Khoa Quốc tế học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) phối hợp Quỹ Irish Aid (Ireland) và Đại học College Cork, Ireland tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Hợp tác quốc tế vì phát triển nông thôn ở Việt Nam: Sự kết nối chính sách và thực tế” tại Trường ĐHKHXH&NV.

Tham dự hội thảo có TS. Đào Đức Huấn -Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược về Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Trần Văn Môn, Trưởng phòng Phát triển nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Văn Thành & Phạm Văn Ngọc, cán bộ Chương trình Tăng trưởng Toàn diện và Bình đẳng, UNDP; Ngài Meirav Eilon Shahar, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam; TS. Edward Lahiff, Giảng viên ngành Phát triển Quốc tế-Đại học College Cork, Ireland; GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV); cùng các giảng viên, học viên và sinh viên của Khoa Quốc tế học.

Qua 30 năm đổi mới, nông nghiệp nông thôn Việt Nam đã đạt được những tựu nổi bật. Khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ngày càng được cải thiện; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường; xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố…Cùng với đó là những tựu khá toàn diện trong phát triển nông nghiệp: Mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài. Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, tham gia hội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế. Chính sách phát triển nông thôn tiếp cận theo hướng xây dựng “nông thôn mới” được bắt đầu từ năm 2008 thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, công tác phát triển nông thôn ở Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế và đứng trước những khó khăn mới. Các chính sách phát huy tác dụng trong phát triển nông nghiệp của thế kỷ trước không còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập vào thị trường quốc tế. Nhiều chỉ số tăng trưởng đang giảm. Các nguồn lực cho việc mở rộng sản xuất như đất canh tác và các nguồn tài nguyên khác đã được sử dụng đến mức tới hạn, đồng thời, đã có nhiều dấu hiệu tiêu cực về môi trường, biến đổi khí hậu do khai thác quá mức tài nguyên và sử dụng quá nhiều các vật tự đầu vào hóa học. Hội thảo được tổ chức để đánh giá lại những thành tựu, xác định những thách thức và tìm ra giải pháp để thúc đẩy sự phát triển nông thôn ở Việt Nam. Hội thảo cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi những nội dung và kinh nghiệm, trình bày những kết quả nghiên cứu mới về phát triển nông thôn tại Việt Nam và trên thế giới. Hội thảo đánh giá sự hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV với Đại học College Cork, Ireland để tiến tới thành lập Ngành Nghiên cứu Phát triển tại Khoa Quốc tế học của Trường.

Hội thảo đã diễn ra với 4 phiên:

Phiên 1: “Chính sách về phát triển nông thôn mới: Cơ hội và thách thức” với các tham luận: “Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, “Phát triển nông thôn: Kinh nghiệm quốc tế và xu hướng hiện nay”, “Phát triển nông thôn ở Israel”, “Điều chỉnh mô hình quản lý nguồn vốn để xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới hiệu quả”, “Phát triển nhân lực thúc đẩy du lịch nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo: Nghiên cứu điểm đến du lịch Cao Phong, Hòa Bình”.

Phiên 2: “Vai trò của các tổ chức trong phát triển nông thôn mới” với các tham luận: “Vai trò của Nhà nước, người dân và cộng đồng và các tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới”, “Vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong phát triển nông thôn mới tại Việt Nam”, “Hợp tác của JICA trong lĩnh vực phát triển nông thôn Việt Nam”, “Kết nối từ nông thôn đến doanh nghiệp: Nghiên cứu ngành sữa bò tại miền Bắc Việt Nam”, “Hội nông dân với công tác dạy nghề tạo việc làm cho nông dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Phiên 3: “Các vấn đề kinh tế-xã hội trong phát triển nông thôn mới” với các tham luận: “Phát triển nông nghiệp và an ninh trong lương thực: Các vấn đề từ kinh nghiệm của các nước đang phát triển”, “UNDP Việt Nam với công tác giảm nghèo và phát triển nông thôn”, “Kinh nghiệm 25 năm triển khai chương trình hỗ trợ của ActionAid tại Việt Nam”, “Vai trò của phụ nữ đối với việc đảm bảo an ninh trật tự trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới”, “Từ luật tục đến vận dụng chính sách trong quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của một số dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam”.

Phiên 4: “Phát triển nông thôn bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu” với các tham luận: “Phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”, “Đánh giá chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, “Lập kế hoạch phục hồi trước thảm họa: Tăng cơ hội phát triển bền vững ở khu vực nông thôn”.


Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và đạo đức trong xã hội hiện đại”

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 8-9/12/2016, do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại và Khoa Triết học tổ chức. Đây là hội thảo thường niên nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) và Viện Nghiên cứu Tôn giáo (CHLB Đức).

Hội thảo lần này quy tụ hàng trăm học giả, chính khách và chức sắc tôn giáo Việt Nam cùng sự hiện diện của các học giả đến từ các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Đức, Anh, Trung Quốc và Đài Loan. Đây là hoạt động học thuật nhằm thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo Tôn giáo học trong trường, mặt khác còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, cũng như giữa các học giả và các chức sắc tôn giáo có điều kiện trao đổi, gặp gỡ nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau.

GS.TS Nguyễn Văn Kim-Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu khai mạc hội thảo, đề cập đến mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo đức như là hai phạm trù cổ xưa nhất xuất hiện trong đời sống con người. Mối quan hệ giữa chúng cũng vô cùng phức tạp. Có thể có đạo đức thế tục, phi tôn giáo, nhưng không có tôn giáo nào lại không có các chuẩn mực đạo đức của mình. Tuy rằng, các tôn giáo nói chung đều hướng con người tới các giá trị nhân văn cao cả, dăn dạy tín đồ khuyến thiện trừ ác, nhưng lịch sử nhân loại cũng đã chứng kiến không ít các cuộc xung đột, chiến tranh tôn giáo bởi những khác biệt giữa chúng trong các quan niệm về giá trị văn hóa cũng như các chuẩn mực đạo đức.

Với trên 80 báo cáo và tham luận, nội dung của Hội thảo chia làm 4 phiên: 1/Tôn giáo và đạo đức: Những vấn đề lý luận chung; 2/Tôn giáo và đạo đức: Trường hợp các tôn giáo cụ thể; 3/Tôn giáo và đạo đức trong xã hội: Các nghiên cứu so sánh; và 4/ Các vấn đề chính sách và phát huy nguồn lực tôn giáo.


Hội thảo "Các nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững:  Lý luận, thực tiễn và giải pháp chính sách"

Ngày 13/12/2016, Hội thảo "Các nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững: Lý luận, thực tiễn và các giải pháp chính sách" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học và các nhà quản lý ở Việt Nam, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Đan Mạch, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia tham dự. Hơn 70 tham luận được trình bày tại Hội thảo tập trung vào 5 vấn đề: Di sản văn hóa trong phát triển bền vững; Nghi lễ, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống trong phát triển bền vững; Chính sách văn hóa; Các thiết chế văn hóa truyền thống và phát triển bền vững; Vốn văn hóa, du lịch văn hóa và phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lương Văn Hy, Đại học Toronto, Canada cho biết: “Chủ đề của Hội thảo đi rất sát với luận điểm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) là cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa và xem văn hóa là nguồn lực trong vấn đề phát triển. Ở đây không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế mà còn là để phát triển du lịch. Còn một phần quan trọng, văn hóa là một phần của kiến thức, một nếp sống của cộng đồng các dân tộc khác nhau. Bảo tồn và phát triển được nó cũng giúp con người cảm thấy ổn định, thấy được tôn trọng hơn”.

Hội thảo còn có sự tham gia của văn phòng UNESCO Việt Nam; Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; các Viện nghiên cứu tại Việt Nam. Cùng với các diễn đàn khoa học, trong khuôn khổ hội thảo còn có triển lãm ảnh và chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc do chính các đại biểu dân tộc thiểu số tự sáng tác và thể hiện.


Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu

 Sáng ngày 15/12/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, với sự tham gia của hơn 2000 người, trong đó có gần 1000 nhà Việt Nam học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu khai mạc hội thảo. Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc phụ trách ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn,  Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phan Ngọc Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Về phía khách quốc tế có các đại sứ, tham tán, công sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam. Về phía ĐHQGHN có Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, các Phó Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc.

Hội thảo lần này do ĐHQGHN là đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại diện các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan trên đã tham gia Ban chỉ đạo của Hội thảo.

Trưởng ban Tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5-Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, so với 4 lần Hội thảo trước, Hội thảo lần này lớn hơn về quy mô và phong phú hơn về nội dung khoa học. Ban Tổ chức đã nhận được 834 bản tóm tắt báo cáo và gần 500 báo cáo toàn văn, trong đó có gần 150 báo cáo của các học giả nước ngoài.

Sau khi nghe báo cáo phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, báo cáo tổng quan hội thảo do GS.TSKH Vũ Minh Giang-Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN trình bày, các nhà khoa học, các đại biểu tham gia thảo luận các nội dung tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn tại các tiểu ban: Tiểu ban 1-Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2-Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3-Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4-Chuyển giao tri thức và công nghệ;  Tiểu ban 5-Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6-Biến đổi khí hậu. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị tham gia chuẩn bị nội dung và điều hành tiểu ban 1.


Tọa đàm quốc tế “Chính sách khoa học và giáo dục  của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế”

Ngày 22/12/2016, Viện Chính sách và Quản lý thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã phối hợp cùng Viện Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức Tọa đàm khoa học Quốc tế với chủ đề “Chính sách khoa học và giáo dục của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế”.

Tham dự tọa đàm có bà Nguyễn Thanh Hải-Ủy viên BCH TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Nguyễn Đức Kiên-Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-CHLB Đức; ông Phạm Đại Dương-Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội, Bộ, ban ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội; đại diện các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.

Ban tổ chức đã nhận được hơn 30 bài tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và lựa chọn 12 báo cáo trình bày tại 2 phiên làm việc.

Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, bên cạnh việc nhấn mạnh những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới và Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Kim cho biết, “Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nhấn mạnh quan điểm giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực của quá trình phát triển, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo; đổi mới chương trình, nội dung giáo dục; đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”. Từ ý nghĩa đó, tọa đàm sẽ đi sâu phân tích về một chủ đề rộng lớn là chính sách và vai trò của  khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo trong xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tọa đàm này cũng sẽ là cơ hội cho các nhà quản lý, các học giả trong nước và quốc tế trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, lắng nghe và trao đổi các kinh nghiệm về các chủ đề cùng quan tâm.

Các chủ đề chính tại buổi tọa đàm: (1) Nhận diện các triết lý, hệ quan điểm trong chính sách khoa học và giáo dục của Việt Nam trước và trong thời kỳ đổi mới; (2) Những thành tựu và hạn chế trong thực thi các chính sách khoa học tại Việt Nam hiện nay; (3) Những thành tựu và hạn chế trong thực thi các chính sách giáo dục tại Việt Nam hiện nay; (4) Những cơ hội và thách thức trong hoạch định và thực thi các chính sách khoa học và giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập; (5) Triết lý và định hướng phát triển khoa học trong bối cảnh hội nhập quốc tế; (6) Triết lý phát triển giáo dục theo định hướng đổi mới cơ bản và toàn diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế; (7) Kinh nghiệp quốc tế trong chuyển đổi chính sách khoa học và giáo dục trong xu thế toàn cầu hóa; (8) Vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ trong quá trình chuyển đổi các chính sách khoa học tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp; (9) Vai trò của khoa học và giáo dục trong thúc đẩy quán trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; (10) Vai trò của khoa học trong đổi mới và thúc đẩy phát triển giáo dục.


Hội thảo “Biển và lục địa-vai trò và mạng lưới giao lưu ở  lưu vực các dòng sông miền Trung”

 Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 28/12/2016. Tham dự hội thảo có GS.TSKH Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc. Về phía Nhà trường, có GS.TS Phạm Quang Minh-Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Nguyễn Văn Kim-Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn-Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh cho biết: Chủ đề của hội thảo lần này có ý nghĩa lớn về khoa học và thực tiễn. Về thực tiễn, Việt Nam là một quốc gia có sự đa dạng về địa hình, có sự phong phú về điều kiện tự nhiên, có biển, sông, núi và đất liền từ Nam ra Bắc. Từ góc độ khoa học, chủ đề này được nhiều nhà khoa học quốc tế quan   tâm. Hiện nay vẫn còn sự tranh luận giữa hai nhóm học giả trên thế giới. Nhóm thứ nhất là nhóm “nhìn từ biển”, nhấn mạnh tầm quan trọng của biển ở Việt Nam vì phần biển và duyên hải chiếm 1/3 diện tích Việt Nam. Nhóm học giả khác lại đưa ra “cái nhìn từ núi”. Chủ đề của hội thảo về mối quan hệ đất liền và biển, và tương đồng với hai trường phái nói trên. Do đó, nếu có thể giới thiệu rộng rãi hai quan điểm này, thì hiểu biết của giới nghiên cứu về về lịch sử Việt Nam sẽ đầy đủ hơn rất nhiều. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Trường ĐHKHXH&NV vừa thành lập Trung tâm Nghiên cứu Biển và Hải đảo như một sự khẳng định rằng đây sẽ là một trong những lĩnh vực được quan tâm trong bức tranh nghiên cứu chung của Nhà trường trong tương lai.

Một số tham luận tại hội thảo như: “Biển với Lục địa-vai trò của các dòng sông miền Trung” (GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường ĐHKHXH&NV), “Đặc tính tự nhiên của một số hệ thống sông lớn khu vực miền Trung” (GS.TS Trương Quang Hải, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN), “Mạng lưới trao đổi gốm Gò Sành thời Chawmpa” (TS Đinh Bá Hoà, Bảo tàng Bình Định), “Các trục sông thiêng vùng Quảng Trị dưới thời Chămpa” (ThS. Lê Đức Thọ, Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị), “Mạng lưới trao đổi ven sông miền Trung Việt Nam trong so sánh với mô hình của châu thổ Bắc Bộ” (TS Đỗ Thuỳ Lan, Trường ĐHKHXH&NV), “Vai trò của hệ thống sông Miền Trung trong giao lưu văn hoá-thương mại” (TS. Đinh Đức Tiến, Trường ĐHKHXH&NV), Trao đổi ven sông Thu Bồn thời Sa Huỳnh và Chămpa sớm (PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường ĐHKHXH&NV), “Thành Cha trong lịch sử Chawmpa: Những kết quả nghiên cứu mới (PGS.TS Lê Văn Tới, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành-VASS)…



Full Text:

 Subscribers Only


DOI: http://dx.doi.org/10.1172/vjossh.v2i6.173

Refbacks

  • There are currently no refbacks.


=====================================================

TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

ISSN 2354-1172