Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam Nguyễn Văn Kim (chủ biên). 2016. Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội. (ISBN 978-604-62-6485-9)

Nguyễn Mạnh Dũng

Abstract


Văn hóa và giao lưu, tiếp xúc, hội nhập, tiếp biến văn hóa… là những vấn đề có tính chất toàn cầu hiện nay. Đối với Việt Nam, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, văn hóa và các vấn đề liên quan đến giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa đã và đang trở thành chủ đề trọng tâm, được toàn xã hội, các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu. Tuy vậy, trên phương diện nghiên cứu, vẫn chưa thấy nhiều khảo cứu hệ thống cũng như những chuyên khảo về từng chiều cạnh của sự quá trình tiếp biến, quá trình tiếp biến và hội nhập văn hóa.

Có thể thấy, trong xu thế khu vực hoá, toàn cầu hoá ngày càng diễn ra mạnh mẽ, văn hoá Việt Nam tuy đón nhận được nhiều cơ hội, điều kiện phát triển mới nhưng mặt khác cũng phải đối diện với không ít thách thức, khó khăn. Là một thực thể gắn bó với đời sống chính trị, xã hội Việt Nam, văn hóa đã đồng hành cùng dân tộc, gắn bó mật thiết với những chuyển biến chung của dân tộc và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, các giá trị văn hóa truyền thống ngày nay cũng chịu nhiều thách thức trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, của xu thế lớn mang tính toàn cầu. Hơn bao giờ hết việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lại được coi là một nhiệm vụ thiết yếu gắn với các yêu cầu, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước như hiện nay. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước cũng luôn gắn liền với việc bảo vệ an ninh, bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giàu lý trí và tình cảm, thấm đậm chủ nghĩa nhân văn và tinh thần yêu nước.

Các vấn đề nêu ra trên đây là những mục tiêu cơ bản, nhiệm vụ cấp bách hiện nay trong việc nghiên cứu về quá trình tiếp biến và hội nhập văn hóa của Việt Nam. Trong bối cảnh của một xã hội thông tin, hội nhập và toàn cầu hóa, việc đề ra các định hướng phát triển, đáp ứng khả năng, nhu cầu thụ hưởng văn hóa... việc triển khai công tác nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của một số quốc gia khu vực và thế giới để từ đó có được nhận thức đúng đắn, chính sách quản lý, phát triển văn hóa phù hợp luôn là một yêu cầu bức thiết.

Công trình nghiên cứu “Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam” do GS.TS. Nguyễn Văn Kim chủ biên tập trung nghiên cứu, góp phần làm sáng tỏ những nội dung sau: Thứ nhất, làm rõ các vấn đề lý luận về tiếp biến và hội nhập văn hóa; Thứ hai, phân tích các bước chuyển, cơ sở, cách thức ứng đối và quá trình tiếp biến, hội nhập văn hóa trong lịch sử Việt Nam; Thứ ba, đánh giá thực trạng, kinh nghiệm quốc tế về tác động của tiếp biến và hội nhập văn hóa đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay; Thứ tư, đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy tính tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình tiếp biến và hội nhập văn hóa đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Có thể khái quát các nội dung trên thành ba chủ điểm lớn vừa mang tính chất khuyến nghị của công trình nghiên cứu như sau:

- Văn hóa trong chiến lược tổng thể  xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Việt Nam đã xác định lộ trình và thực hiện những giải pháp căn bản cho quá trình phát triển văn hóa đó là: Hội nhập để tiếp biến và tiếp biến để tiếp tục hội nhập ở một mức độ cao hơn. Hội nhập kinh tế là bước đi đầu tiên, sau đó đến hội nhập văn hóa và hiện nay đang chuẩn bị cho việc hội nhập chính trị trên cơ sở chuẩn bị luận cứ và các giải pháp khả thi để đổi mới hệ thống chính trị, hướng tới xây dựng một nhà nước văn minh, hiện đại.

Mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được nhận thức ngày một sâu sắc trong tư duy phát triển của Việt Nam. Con người là trung tâm, động lực, nhân tố quyết định cho sự bảo tồn, truyền bá và sáng tạo văn hóa. Việc xây dựng thành công những mẫu hình con người mới, có tri thức, sáng tạo, tình cảm, nhân cách, lối sống đẹp là nhiệm vụ trọng tâm của văn hóa. Cần có chiến lược và hệ giải pháp thiết thực, khả thi để xây dựng con người, phát huy nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại. Định hướng cho chiến lược và tiếp biến văn hóa là đề ra đường hướng chính tiếp cận tới các mục tiêu có giá trị lâu dài mà Việt Nam vươn tới trong chiến lược văn hóa, giáo dục là đào luyện nên những con người có năng lực, phẩm chất, tư duy của công dân toàn cầu.

- Công nghiệp văn hóa, thị trường      văn hóa và chuỗi các sản phẩm văn hóa trên thị trường văn hóa khu vực và thế giới

Văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Đứng trước những yêu cầu phát triển mới, để hướng tới xây dựng Nền kinh tế tri thức trước hết Việt Nam cần tập trung nguồn lực để xây dựng Nền kinh tế văn hoá mà trọng tâm là ngành Công nghiệp văn hóa. Đó là bước chuẩn bị quan trọng để hướng tới phát triển Nền kinh tế tri thức giàu đậm hàm lượng trí tuệ và chất nhân văn. Để xây dựng và phát triển văn hóa, Việt Nam cần thực sự coi văn hóa là động lực, nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững; cần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Công nghiệp văn hóa, là ngành có mối liên hệ chặt chẽ với Công nghiệp sáng tạo trong xã hội hiện đại.

Những người làm công tác quản lý văn hóa đang hướng đến một tư duy mang tính khai mở nhằm xây dựng một Thị trường văn hóa nhân văn, hiện đại trên cơ sở phát triển chuỗi các sản phẩm của Công nghiệp văn hóa. Trong quá trình phát huy thế mạnh của Thị trường văn hóaCông nghiệp văn hóa cũng cần sớm tính đến việc xây dựng một Nền văn minh thương nghiệp (thương đạo) và Văn hóa doanh nhân. Ở đó, triết lý kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, tính trung thực, tư tưởng nhân văn và văn hóa kinh doanh được coi trọng, tôn vinh. Đội ngũ doanh nhân cần trở thành các Doanh nhân văn hóa, một lực lượng đông đảo, mạnh mẽ trong việc thực hiện Chiến lược ngoại giao nhân dân và trong việc đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và xã hội. Có thể coi các doanh nhân là một trong những Lực lượng văn hóa và chính lực lượng văn hóa này sẽ tạo nên sức sản xuất văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của một quốc gia.     

- Công tác quản lý, tạo dựng thiết chế, khuyến khích, thúc đẩy sự nghiệp         phát triển, phát huy và sáng tạo văn hóa

Trong tư duy chiến lược mới, giữa việc bảo vệ lợi ích quốc gia về chính trị, an ninh, kinh tế với lợi ích quốc gia về văn hóa và coi đó như một bộ phận hợp thành trong lợi ích tổng thể của đất nước. Theo đó, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng văn hóa thế giới phải được coi là một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong sự phát triển của Việt Nam hiện nay, văn hóa không chỉ đồng hành với phát triển chung của dân tộc mà trên nhiều phương diện, văn hóa phải giữ vai trò tiên phong trong sự phát triển của đất nước. Công tác quản lý văn hóa đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Mặt khác, chính nhu cầu giao tiếp, thụ hưởng văn hóa của thời đại toàn cầu hóa mà văn hóa đã trở thành nhân tố kích hoạt cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hạn chế lớn nhất của sự nghiệp xây dựng và quản lý văn hóa Việt Nam trong thời gian qua là chưa có cơ chế phối hợp cấp quốc gia để tổ chức các kế hoạch, hoạt động văn hóa lớn và bố trí nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho sự nghiệp phát triển, quảng bá giá trị văn hóa... Nhận thức rõ hạn chế đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm tăng cường bộ máy tổ chức, ban hành những văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động của ngành Văn hóa, đề cao vai trò của các thiết chế văn hóa, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng với những phương thức hoạt động mới, hiệu quả. Văn hóa không chỉ có ý nghĩa định hướng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế-xã hội đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh đất nước. 


Full Text:

 Subscribers Only


DOI: http://dx.doi.org/10.1172/vjossh.v2i6.172

Refbacks

  • There are currently no refbacks.


=====================================================

TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

ISSN 2354-1172