Phép đạc tam giác về vốn xã hội của người Việt Nam: Mạng lưới quan hệ-lòng tin-sự tham gia Nguyễn Quý Thanh (Chủ biên). 2015.Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội. (ISBN: 978-604-62-4804-0)
Abstract
Khi nói đến nghiên cứu về vốn xã hội nói chung, có thể kể đến những nghiên cứu chung của Pierre Boudieur (1986), Portes (1998), Putnam (2001), Dudwick và cộng sự (2006)…, nhưng khi nhận diện nghiên cứu về lĩnh vực này ở Việt Nam, định hướng nghiên cứu về phân tích vốn xã hội trong đời sống thường nhật còn rất khiêm tốn. Nghiên cứu của Nguyễn Quý Thanh và cộng sự (2015) với chủ đề Phép đạc tam giác về vốn xã hội ở người Việt Nam: Mạng lưới quan hệ-lòng tin-sự tham gia được xem như một công trình nghiên cứu khá toàn diện về các khía cạnh vốn xã hội và tạo ra định hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, đo lường và phân tích về vốn xã hội phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Ấn phẩm này là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản do Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia tài trợ, được triển khai nghiên cứu trên một phạm vi 5 tỉnh với cỡ mẫu khá lớn, cho thấy có cơ sở để đi đến những đánh giá khát quá về vốn xã hội ở Việt Nam hiện nay. Với 9 chương thuộc 4 phần (chưa kể phụ lục và tài liệu tham khảo), ấn phẩm này đã đề cập một cách toàn diện các vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và phân tích về vốn xã hội ở Việt Nam hiện nay. Ở phần 1, đề cập những vấn đề chung, gồm 2 chương, chương 1 về khung lý thuyết và khái niệm về vốn xã hội; chương 2: Cấu trúc và phương pháp đo vốn xã hội. Mạng lưới quan hệ xã hội của người Việt Nam: Đặc trưng và định dạng là nội dung chính của phần 2, gồm 3 chương: Nguyên lý đồng dạng và quy mô mạng lưới quan hệ xã hội của người Việt Nam (chương 3); Đặc tính đối xứng và bất đối xứng của vốn xã hội: Trường hợp quan hệ giúp đỡ của người Việt Nam (chương 4); Mạng lưới quan hệ xã hội trong không gian số: Ảo hóa và hiện thực hóa (chương 5). Phần 3 đề cập đến cấu trúc và các yếu tố quyết định đến lòng tin xã hội của người Việt Nam gồm 2 chương: Thực trạng lòng tin xã hội của người Việt Nam (chương 6) và các yếu tố ảnh hưởng đến lòng tin xã hội của người Việt Nam (chương 7). Phần còn lại, đề cập đến sự tham gia, vốn xã hội và phát triển dân tộc thiểu số ở Việt Nam, gồm 2 chương: Sự tham gia xã hội của người Việt Nam: Thực trạng và lợi ích gia tăng vốn xã hội (chương 8) và Vốn xã hội và sự phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam (chương 9).
Qua việc đọc nội dung của công trình nghiên cứu và sách chuyên khảo, có thể nhận thấy ấn phẩm này đã có những điểm mới trong nghiên cứu về vốn xã hội ở Việt Nam hiện nay, với một số đánh giá như:
1. Đây là một nghiên cứu toàn diện về vấn đề nghiên cứu về vốn xã hội trong đời sống đương đại ở Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu này góp phần bổ sung những thiếu hụt nghiên cứu về vốn xã hội: Ở các khía cạnh quy mô, tính đồng dạng của các mối quan hệ, tính đối xứng và bất đối xứng của các mối quan hệ xã hội, sự tham gia xã hội; đồng thời nghiên cứu này cũng đi vào phân tích những mối quan hệ xã hội ảo và sự chuyển hóa giữa mối quan hệ xã hội ảo và mối quan hệ thực để hướng đến tạo ra vốn xã hội của các chủ thể trong cuộc sống.
2. Nghiên cứu này đã tổng lược một cách khá cơ bản về các quan niệm, cách tiếp cận hiện nay về vốn xã hội, sự khác biệt giữa lòng tin xã hội và niềm tin xã hội, các mối quan hệ xã hội. Qua đó, nghiên cứu đã chỉ ra cách tiếp cận để đo lường vốn xã hội dựa trên cách tiếp cận mới và hiện đại khi nghiên cứu về vấn đề này: Phép đạc tam giác. Đây là cách tiếp cận mới mà ít nghiên cứu về vốn xã hội ở Việt Nam chỉ ra, đây được xem như là đóng góp quan trọng của nghiên cứu này trong việc phát triển mô hình lý luận và tiếp cận về vấn đề nghiên cứu đang nổi bật ở Việt Nam hiện nay.
3. Tuy có khác với cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới khi đo lường về vốn xã hội (2006) từ góc độ định tính với 6 chiều kích, nghiên cứu này nhận diện vốn xã hội qua phân tích các khía cạnh: Cách thức đo lường phân tích các nội dung về quan hệ xã hội, lòng tin xã hội, sự tham gia xã hội. Nội dung đo lường như vậy đã được lý giải phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam hiện nay. Việc tính toán, đo lường đã được nhóm nghiên cứu thực hiện khá công phu nhờ kỹ thuật phân tích định lượng, kiểm định, phân tích nhân tố, kiểm định tương quan… Nghiên cứu này đã sử dụng thành thục giữa cách tiếp cận đo lường dựa trên phép đạc tam giác và các kỹ thuật phân tích định lượng, đã đem lại cho người đọc những thông tin, đánh giá khá toàn diện để hướng đến có những bình luận có độ tin cậy và giá trị khoa học cao.
4. Công trình nghiên cứu này tiếp tục gợi mở cho những nhà nghiên cứu liên quan đến vốn xã hội, những nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng và phép đạc tam giác đo lường các mối quan hệ xã hội. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của ấn phẩm này cho các định hướng nghiên cứu tiếp theo liên quan đến vốn xã hội ở Việt Nam hiện nay.
5. Có hai khía cạnh mà từ việc đọc, hiểu và tiếp cận của bản thân về ấn phẩm này cần được hiểu và nhận diện rõ hơn: Phép đạc tam giác là một cách tiếp cận nghiên cứu cần cho nghiên cứu các mối quan hệ xã hội, mặc dù vậy công trình này chưa dành được dung lượng phù hợp để đề cập đến nội dung này và các cách áp dụng cụ thể cho vấn đề nghiên cứu. Đồng thời, việc phân tích các dữ liệu định lượng quá nhấn mạnh đến các kỹ thuật định lượng, điều này cũng gây khó khăn nhất định cho các nhà khoa học thiên về định tính.
Nghiên cứu này có giá trị quan trọng, và được xem như là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bậc đào tạo, nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như xã hội học, nhân học, chính trị học, khoa học quản lý, tâm lý học…
Full Text:
Subscribers OnlyReferences
Bourdieu, P.1986. The forms of capital. Trong JG.Richardson (cb), Handbook of Theory and Research for Sociology and Education, Greenwood Press, New York, tr.241-58;
Dudwick, N; Kuehnast, K; Jones, VN; and Woolcock, M. 2006. Analyzing Social Capital in Context: A Guide to Using Qualitative Methods and Data, Worldbank Institute, New York.
Portes, A. 1998. Social Capital: Its Origins and Applications in Modern Sociology, Annual Review of Sociology, vol.24, tr.1-24;
Putnam,R. 2001. Social Capital: Measurement and Consequences? Canadian Journal of Policy Research, Vol.2, No.1, tr.41-51.
DOI: http://dx.doi.org/10.1172/vjossh.v2i3.74
Refbacks
- There are currently no refbacks.
=====================================================
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
ISSN 2354-1172