Thông tin khoa học và hội thảo
Abstract
Hội thảo khoa học quốc tế “Giao tiếp Hàn-Việt những va chạm văn hóa và hướng dẫn ứng xử giảm mâu thuẫn tăng hòa hợp”
Chiều ngày 17/2/2017, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Giao tiếp Hàn-Việt những va chạm văn hóa và hướng dẫn ứng xử giảm mâu thuẫn tăng hòa hợp” do Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc học tổ chức.
Đến dự có bà Chu Thị Ánh-Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; ông Huỳnh Minh Thiện-Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tại TP. HCM; ông Park Noh Wan-Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM; ông Han Dong Hee-Chủ tịch Hiệp hội thương mại và Công nghệ Hàn Quốc-KOCHAM; GS.TS. Bu Nam Chul-Trưởng khoa Luật, GS.TS. Ahn Jung Hung-ĐH Youngsan; GS.TS. Eun Ki Soo-ĐHQG Seoul; GS.TS. Ahn Kyong Hwan-ĐH Chosun; GS.TS. Moon Heung Ahn-ĐH Konkuk; cùng các giảng viên, sinh viên Hàn Quốc đến tham dự.
Về phía Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM có PGS.TS. Võ Văn Sen-Hiệu trưởng cùng đông đảo giảng viên và sinh viên nhà trường cùng tham dự
PGS.TS. Võ Văn Sen đã đọc diễn văn khai mạc hội thảo. PGS.TS nhấn mạnh đến mối quan hệ chính thức của Việt Nam và Hàn Quốc bước sang năm thứ 25, từ đối tác thông thường được nâng lên thành đối tác toàn diện rồi đến đối tác chiến lược từ năm 2009; là mối quan hệ này thể hiện bằng sự phát triển năng động và hiệu quả trong các lĩnh vực chính trị-kinh tế-văn hoá-xã hội, an ninh-quốc phòng, giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ. Trong hơn hai thập kỷ hợp tác và giao lưu văn hóa xã hội Hàn-Việt diễn ra trên một bình diện rộng với nhiều cấp độ và quy mô khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu của dự án, Hội thảo tập trung vào 2 lĩnh vực giao tiếp Hàn-Việt nổi bật đó là:
- Giao tiếp Hàn-Việt trong các công ty Hàn Quốc có sử dụng lao động Việt Nam tại Việt Nam.
- Giao tiếp Hàn-Việt trong các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.
Các nội dung tập trung thảo luận trong hội thảo bao gồm:
1. Các khó khăn, các va chạm văn hóa có tần suất cao thường gặp trong giao tiếp Hàn-Việt tại các công ty Hàn Quốc có sử dụng lao động Việt Nam và trong các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.
2. Các cập nhật về luật pháp của 2 quốc gia liên quan đến các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, xã hội ở 2 lĩnh vực giao tiếp Hàn-Việt nổi bật và các tác động của nó tới các giao tiếp ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực đó.
3. Các hướng dẫn ứng xử nhằm giảm thiểu mâu thuẫn, tăng sự hòa hợp trong các công ty Hàn Quốc có sử dụng lao động Việt Nam và trong các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.
Vấn đề học thuật của các nghiên cứu trong hội thảo là ở chỗ từ các so sánh giống khác nhau của đặc trưng văn hóa Hàn Quốc Việt Nam, từ các kết quả điều tra xã hội học trên hai lĩnh vực giao tiếp nổi bật, từ các cập nhật nghiên cứu về các quy định luật pháp của hai bên và từ những vấn đề ngôn ngữ, văn hóa khác để thảo luận xác định được cơ sở khoa học cho nội dung biên soạn cẩm nang.
Ý nghĩa thực tiễn quan trọng của hội thảo là ở chỗ tạo được diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và các đối tượng trong gia đình đa văn hóa Hàn-Việt cùng thảo luận về những khó khăn, những va chạm văn hóa thường diễn ra, gây nên những cản trở trong giao tiếp Hàn-Việt tại các công ty Hàn có sử dụng người lao động Việt Nam hoặc tại các gia đình đa văn hóa. Đồng thời bước đầu đưa ra các hướng dẫn ứng xử theo định hướng giảm thiểu các va chạm, tăng sự hòa hợp để cùng phát triển bền vững quan hệ Hàn-Việt.
Với 30 tham luận được trình bày tại hội thảo trong hai ngày 17-18/02/2017, các học giả đã nêu nhiều vấn đề về thực trạng và những giảm thiểu va chạm văn hoá tại các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam, như nguyên nhân gây mâu thuẫn văn hoá trong quan hệ giữa quản lý Hàn Quốc và công nhân Việt Nam qua điều tra xã hội học và phương án giải quyết; suy nghĩ về vai trò của người quản lý Việt tại các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc thu hẹp khác biệt văn hoá Việt - Hàn; phát huy sự tương đồng về tính nhân bản trong văn hoá để hướng dẫn ứng xử giảm mâu thuẫn tăng hoà họp tại các công ty Hàn Quốc; khảo sát các mâu thuẫn Hàn - Việt trong một số công ty Hàn Quốc tại Việt Nam...
Tại hội thảo lần này, các nhà khoa học cũng bàn luận thêm các vấn đề văn hoá như chuẩn hoá truyền thống chữ hiếu trong văn hoá Việt Nam và Hàn Quốc, ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp của người Hàn, sự khác biệt văn hoá trong đời sống chồng Hàn - vợ Việt; đặc trưng gia đình văn hoá Hàn-Việt ở Việt Nam hay vấn đề dạy tiếng Việt cho người Hàn và những khó khăn cần khắc phục.
Hội thảo quốc tế “The 8th International Science, Social Sciences, Engineering and Energy Conference VIII (I-SEEC 2017)
Trường Đại học Phranakhon Rajabhat (Thái Lan) phối hợp với Mạng lưới đại học Rajabhat tổ chức Hội thảo quốc tế “The 8th International Science, Social Sciences, Engineering and Energy Conference VIII (I-SEEC 2017)”.
Hội thảo sẽ diễn ra từ 15 đến 17/3/2017 tại Khách sạn A-one The Royal Cruise (Pattaya, Chonburi, Thái Lan). Hội thảo nhằm tạo cơ hội trao đổi học thuật cho các nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học trên thế giới xung quanh chủ đề trên.
Ban Tổ chức hội thảo trân trọng mời 01 lãnh đạo và 05 nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN viết bài và tham dự hội thảo vào thời gian trên. Các lĩnh vực có thể viết bài gồm: Nhân học, Khảo cổ học, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Luật, Kinh tế, Nghiên cứu đô thị, Kinh tế, Giáo dục, Phúc lợi xã hội, Tâm lý học, Ngôn ngữ học, Giáo dục học, Thư viện và Khoa học Thông tin, Khoa học Chính trị, An ninh…
Thông tin chi tiết về hội thảo xem tại: http://iseec2017.pnru.ac.th
Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ một số khoản chi phí cho các đại biểu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN khi tham dự hội thảo.
Để biết thêm thông tin, các nhà khoa học của Trường-những người quan tâm và có mong muốn tham gia Hội thảo này-xin liên hệ:
ThS. Lương Ngọc Vinh-Phó Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển.
Email: vinhln@ussh.edu.vn
Full Text:
Subscribers OnlyDOI: http://dx.doi.org/10.1172/vjossh.v3i1.187
Refbacks
- There are currently no refbacks.
=====================================================
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
ISSN 2354-1172