Văn hóa truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa

Nguyễn Minh

Abstract


Theo một nghiên cứu độc lập của Huỳnh Văn Thông (2013), tỷ lệ người có độ tuổi dưới 30 có thói quen truy cập internet sau 22h là 78.2% và 42.8% trong đó thường xuyên truy cập internet sau 24h. Từ đó hình thành nên chu kỳ ngủ-thức kiểu “cú” (ngủ muộn dậy muộn) thay vì kiểu “chiền chiện” (ngủ sớm dạy sớm) như trước đây.

Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều ví dụ thú vị và “thường ngày” như đoạn dẫn trên trong cuốn sách “Văn hóa đại truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa” (Đặng Thị Thu Hương chủ biên) để thấy được truyền thông càng ngày càng tác động mạnh mẽ vào từng hoạt động bình thường của công chúng cũng như có ảnh hưởng sâu rộng đến một vấn đề nền tảng nhất trong nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn: Văn hóa.

Cuốn sách này đặc biệt ở chỗ nó giới thiệu một cách đầy đủ và có hệ thống các lý thuyết đương đại của thế giới về truyền thông đại chúng và văn hóa đại chúng (mass culture) cũng như việc ứng dụng và kiểm nghiệm các lý thuyết đó vào thực tiễn Việt Nam thông qua các khảo sát công chúng (diện rộng với hàng nghìn bảng hỏi được phân bố theo địa lý) và phân tích nội dung (từ các chủ đề “hot” như người nổi tiếng  cho đến giá trị văn hóa được thể hiện như thế nào trên báo chí). Chính sự công phu trên làm cho cuốn sách trở thành một công trình đáng chú ý khi việc nghiên cứu truyền thông ở nước ta còn chưa quá phát triển so với sự tăng tốc nhanh chóng của ngành công nghiệp truyền thông trong bối cảnh kỹ thuật số và toàn cầu hóa.

Cuốn sách được chia thành năm chương lớn, trong đó chương 1 giới thiệu các vấn đề lý thuyết chung và phương pháp nghiên cứu của toàn bộ nghiên cứu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào bối cảnh toàn cầu hóa của thế giới nói chung và kinh tế thị trường (định hướng XHCN) nói riêng tại Việt Nam; chương 2 giới thiệu văn hóa truyền thông đại chúng (VHTTDC) ở một số quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ); chương 3 phân tích VHTTDC Việt Nam nhìn từ kênh truyền thông đại chúng; chương 4 phân tích VHTTDC Việt Nam nhìn từ góc độ công chúng tiếp nhận, và cuối cùng chương 5 khuyến nghị các vấn đề của VHTTDV: Nhìn về phía tương lai.

Chương 1 của cuốn sách rất có giá trị khi đưa ra được một cái nhìn tổng quan về các thuật ngữ quan trọng nhất: “văn hóa”, “truyền thông đại chúng” (TTDC), “văn hóa đại chúng” trong đó nhấn mạnh vào tính liên ngành khi tiếp cận vấn đề thông phương tiện TTDC (báo chí, internet,…). Hướng tiếp cận này nhấn mạnh vào ba khía cạnh chính: một là, chính các phương tiện TTDC là một hiện tượng văn hóa. Hai là, các phương tiện truyền thông là công cụ để truyền bá văn hóa. Ba là, văn hóa TTDC là giá trị sản phẩm do  phương tiện TTDC mang lại cho công chúng của mình. Đây là hướng tiếp cận hợp lý để có thể triển khai nghiên cứu liên ngành văn hóa-truyền thông, khác với quan niệm thông thường khi cho rằng phương tiện TTDC chỉ là vấn đề kỹ thuật hoặc hình thức. Từ đó, các tác giả tổng quan các nhóm lý thuyết chính hiện nay là: hướng tiếp cận từ lý thuyết về nghiên cứu văn hóa, hướng tiếp cận từ lý thuyết tâm lý học, hướng tiếp cận từ lý thuyết báo chí truyền thông, hướng tiếp cận từ lý thuyết hiện đại và hậu hiện đại. Quan trọng nhất, phần cuối của chương 1, các tác giả đã phân tích được bối cảnh hiện nay của ngành công nghiệp truyền thông, công nghiệp văn hóa Việt Nam (với các số liệu và phân tích chính sách vĩ mô rất chi tiết) trong các biến đổi phức tạp của thế giới toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường để thấy được các vấn đề thực tiễn cần được nghiên cứu nhằm “làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam” và “ngặn chặn loại trừ khỏi cuộc sống xã hội  những mầm hại cỏ độc xâm nhập theo các kênh thông tin”.

Chương 2 tổng kết qua các nét lớn trong văn hóa TTDC ở 3 quốc gia: Mỹ (có ảnh hưởng đến toàn cầu), Trung Quốc (có bối cảnh xã hội tương tự với Việt Nam), và Hàn Quốc (hiện tượng văn hóa TTDC đặc biệt nhất trong giai đoạn hiện nay). Tuy vậy, chương này mới đưa ra các hiện tượng ở từng nước riêng rẽ mà chưa có một cái nhìn xuyên suốt để chỉ ra các so sánh trực tiếp với Việt Nam (đối tượng nghiên cứu chính).

Chương 3 và 4 tiếp cận văn hóa TTDC theo hai góc độ kinh điển với nghiên cứu truyền thông: kênh và công chúng. Điểm hấp dẫn nhất của hai chương này là đều có số liệu định lượng cụ thể và cập nhật (ai, giờ nào, thường tiếp xúc với kênh thông tin nào, tiếp nhận thông tin nhiều hay ít,…) đi kèm với các kết luận, từ đó giúp người đọc dễ dàng hình dung ra sự biến đổi liên tục của văn hóa thông qua TTDC. Hai chương rất sinh động khi đưa các vấn đề “nóng”, gây bức xúc như truyền thông sa đà vào hiện tượng người nổi tiếng dẫn đến “văn hóa giải trí mới”, xuất bản phẩm “ngôn tình” dẫn đến sự lệch lạc trong quan điểm của người trẻ,… Chương 4 còn công phu trong việc nghiên cứu toàn diện công chúng từ bối cảnh của công chúng cho đến sự thay đổi cụ thể các hành vi của công chúng trong quá trình “sống với” văn hóa TTDC. Chương 4 còn bước đầu chỉ ra các hướng cụ thể trong nghiên cứu công chúng hiện nay: công chúng với văn hóa giải trí, công chúng với văn hóa tiêu dùng và tiêu dùng văn hóa, công chúng và sự biến đổi ngôn ngữ trong quá trình truyền thông và những hệ lụy mà ngôn ngữ mới đó đem lại.

Chương 5 hướng đến việc đưa ra các giải pháp vĩ mô về mặt chính sách sau khi đã rút ra các kết luận lớn từ thực tiễn của chương 3 và chương 4. Các giải pháp được đưa ra đồng bộ trên nhiều phương diện: luật pháp, đầu tư, giáo dục,… nhưng nhấn mạnh nhất vào việc phải có sự hợp tác và hiểu biết đồng thời từ cả các nhà quản lý, nhà báo và người dân-công chúng thụ hưởng và tiêu thụ truyền thông để hướng tới “văn hóa TTDC phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

Tựu chung lại, đây là một chuyên khảo thành công với một lượng lớn lý thuyết được xử lý nhuần nhuyễn, khảo sát công phu với số lượng mẫu lớn, các kết luận chắc chắn đáng tin cậy bởi khả năng xử lý số liệu tốt, các phân tích sâu về mặt chính sách đều dựa trên việc trích dẫn hợp lý các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước cùng với sự hậu thuẫn của nhãn quan lý thuyết và số liệu thực tế. Chính vì thế, bất kỳ sinh viên ngành báo chí truyền thông, nhà báo, người thực hành và quản trị truyền thông,… đều nên lấy đây là một tài liệu tham khảo quan trọng.


Full Text:

 Subscribers Only


DOI: http://dx.doi.org/10.1172/vjossh.v3i4.237

Refbacks

  • There are currently no refbacks.


=====================================================

TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

ISSN 2354-1172