"Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và "Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ từ những hướng tiếp cận khác nhau"

Phan Văn Kiền

Abstract


(Hai công trình: "Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Hồi Loan, Nguyễn Thị Kim Hoa đồng chủ biên. 2016. Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội. ISBN: 978-604-62-6685-3 và "Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ từ những hướng tiếp cận khác nhau". 2016. Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Hồi Loan, Nguyễn Tuấn Anh đồng chủ biên. Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội. ISBN: 978-604-62-6683-9).

Hai cuốn sách không dày nhưng đề cập tới một vấn đề được thảo luận nhiều và "nóng" trong các ngành khoa học xã hội hiện nay: Vốn xã hội. Đặc biệt, tập thể tác giả đã dùng cái nhìn đa chiều để tiếp cận vấn đề và trình bày chúng dưới những quy chiếu hết sức khoa học và lớp lang.

Có thể hình dung hai cuốn sách này giống như hai tập sách trong một bộ sách chỉnh thể về nội dung “vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ”. Cuốn thứ nhất với nhan đề “Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Cuốn thứ hai “Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ từ những hướng tiếp cận khác nhau”.

Cuốn thứ nhất với 4 chương (181 trang) và một chương kết luận với kết cấu theo mô típ của một công trình nghiên cứu. Cuốn sách đi từ những vấn đề cơ bản, nền tảng về nguồn nhân lực trẻ và vốn xã hội đến những vấn đề chuyên sâu về vốn xã hội với nhân lực trẻ như tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm nhân lực trẻ. Chương 3 và 4 của cuốn sách là hai chương có giá trị tham khảo tốt nhất trong cuốn sách.

Cuốn thứ hai dưới dạng là một tập hợp các nghiên cứu cùng chủ đề của nhiều tác giả với 3 phần (252 trang). Đúng như nhan đề của cuốn sách, các tác giả đã đưa ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau về vốn xã hội trong việc phát triển nguồn nhân lực trẻ. Từ những vấn đề mang tính lý thuyết đến các nghiên cứu thực nghiệm cụ thể, từ những nghiên cứu tổng quát đến các nghiên cứu trên từng địa phương, lĩnh vực cụ thể, các tác giả đã cố gắng để có một cách nhìn tổng quan về vấn đề nghiên cứu.

Cả hai cuốn sách đều là những tài liệu tham khảo tốt cho quá trình nghiên cứu về vốn xã hội nói chung và vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ nói riêng.

Đóng góp lớn nhất của hai cuốn sách, theo chúng tôi, là đã tiếp cận đa chiều về vốn xã hội cũng như vốn xã hội với phát triển nguồn nhân lực trẻ để đưa ra những kết luận, khuyến nghị giàu sức thuyết phục và có tính khoa học cao. Hai công trình đã cố gắng tiếp cận nhiều lĩnh vực cũng như nhiều khu vực địa lý khác nhau để đi đến những kết luận cho vấn đề nghiên cứu.

Tuy nhiên, chính việc tiếp cận đa chiều đó cũng là hạn chế của hai công trình. Bởi trong nghiên cứu, tính đại diện và chọn lọc, dù ngẫu nhiên và khách quan đến đâu, khó có thể khái quát hết được cho mọi mặt của vấn đề nghiên cứu. Vì vậy, càng mở rộng góc tiếp cận thì càng cần độ khái quát cao hơn. Trong nghiên cứu, tính khái quát không hẳn lúc nào cũng tốt.

Trong cuốn thứ nhất, các tác giả mới chỉ tiếp cận đối tượng "nguồn nhân lực trẻ" giới hạn trong khu vực nhà nước, trong khi đó, tiếp cận "vốn xã hội" với nguồn nhân lực trẻ thì ở lĩnh vực ngoài nhà nước mới là khu vực đặc sắc và có nhiều vấn đề cần nghiên cứu hơn.

Không chỉ vậy, cả trong cách tiếp cận vấn đề, cuốn sách mới dừng lại ở góc tiếp cận từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm nhân lực trẻ. Nếu có thêm góc tiếp cận từ nội tại nguồn nhân lực trẻ thì góc nhìn sẽ đa diện và khách quan hơn. Cố nhiên, chúng tôi hiểu hạn chế này là do đối tượng nghiên cứu của công trình là nhân lực trẻ trong khu vực nhà nước.

Cuốn thứ hai, "Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ từ những hướng tiếp cận khác nhau", các tác giả đã cố gắng tiếp cận đa chiều về lĩnh vực cũng như địa lý để đưa ra cái nhìn khách quan cho vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, các địa phương trong công trình đang tập trung chủ yếu vào các tính phía Bắc và Bắc Trung bộ, chính xác hơn là từ Nghệ An trở ra. Công trình vắng bóng hẳn khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bộ và Nam bộ, vốn là những khu vực có quá trình phát triển nguồn nhân lực trẻ hết sức đa dạng trong cả trình độ, quan điểm và hiện trạng phát triển bản thân.

Ở các lĩnh vực, công trình cũng mới dừng lại ở một số góc tiếp cận khá hạn chế như nhân lực nữ, cựu sinh viên… Sẽ trọn vẹn hơn nếu công trình mở rộng được hơn đối tượng nghiên cứu.

Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng những nhược điểm trên của hai công trình nằm ở bản thân vấn đề nghiên cứu quá lớn. Dù hai công trình là kết quả của một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về vốn xã hội, lại chỉ khu biệt trong một đối tượng là nguồn nhân lực trẻ khu vực nhà nước nhưng vấn đề vốn xã hội là một vấn đề không thể giải quyết chỉ trong một vài công trình và ở một số thời điểm nhất định.

Những giới hạn về góc tiếp cận mà công trình chọn lựa đã giúp cho kết quả nghiên cứu sát hơn, sâu hơn và có giá trị thực tiễn hơn. Ngay cả với những kết luận tưởng như là sáo mòn, chẳng hạn: "Nhiều điểm yếu của nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực trẻ là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn quá thấp, tỷ lệ lao động có tay nghề cao còn ít, nhất là năng suất lao động của người lao động còn quá thấp trong sự so sánh với các nước trong khu vực" (trang 159) đều dựa trên những luận cứ, luận điểm, khảo sát chắc chắn và có độ tin cậy cao. 


Full Text:

 Subscribers Only


DOI: http://dx.doi.org/10.1172/vjossh.v3i1.186

Refbacks

  • There are currently no refbacks.


=====================================================

TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

ISSN 2354-1172