Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững (Tác giả: Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, HN 2016, ISBN: 987-604-57-2621-1)

Nguyễn Thị Thu Hà

Abstract


Tây Nguyên được biết đến là vùng đất mới, là địa bàn sinh tụ lâu đời của 12 dân tộc thiểu số bản địa. Là một vùng đất có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, chính trị, quốc phòng. Hoàn cảnh địa lý, môi trường sinh thái và con người ở đây với cấu trúc xã hội và gia đình độc đáo, một tập hợp các yếu tố văn hóa phong phú đa dạng, với nhiều gam màu hấp dẫn đã tạo thành một vùng văn hóa tiêu biểu, một khu vực lịch sử-dân tộc học kỳ thú. Là một trong những vùng kinh tế khó khăn của cả nước với địa bàn trải rộng bao gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng. Với địa hình đặc trưng đồi núi, là địa bàn sinh sống của 46 dân tộc anh em([1]).

Hiện nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và các kho tàng văn học dân gian với điệu hát, lời ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, bản trường ca... Một trong những di sản nổi tiếng là Không gian văn hóa cồng chiêng tại Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong xu thế giao lưu, mở cửa hội nhập, văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực của sự phát triển mà còn là nguồn nội lực quan trọng tác động trực tiếp, gián tiếp lên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội, phát triển bền vững của các quốc gia, tạo ra sức mạnh cho các dân tộc. Gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của các cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, văn hóa Tây Nguyên đang biến đổi không ngừng, đứng trước những nguy cơ bị mai một, vì vậy việc phân tích, đánh giá thực trạng vai trò, giá trị của văn hóa truyền thống Tây Nguyên trong đời sống xã hội là việc làm cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới phát triển bền vững.

Thấy được tầm quan trọng của vấn đề đặt ra, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, với sự định hướng chuyên môn của Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Viện Nghiên cứu Phát triển Phương đông đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách: "Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên trong phát triển bền vững" vào tháng 9/2016.

Cuốn sách dầy 407 trang, là tập hợp 34 bài viết của các tác giả nghiên cứu sâu về Tây Nguyên. Nhiều người trong số họ là con em đồng bào dân tộc Tây Nguyên, có những hiểu biết sâu sắc về vùng đất, con người Tây Nguyên. Các bài viết trong tập sách này còn là một phần kết quả nghiên cứu về văn hóa và con người Tây Nguyên trong khuôn khổ các đề tài cấp nhà nước, thuộc chương trình Tây Nguyên 1, 2, và 3, mà người giới thiệu cuốn sách này cũng vinh dự được góp một phần trong đó.

Các bài viết tập trung phân tích vai trò của văn hóa truyền thống Tây Nguyên, thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của nền văn hóa đặc thù này vì phát triển bền vững. Các bài viết với nhiều tư liệu phong phú, được phân tích dưới nhiều chiều cạnh, dựa trên những bằng chứng thuyết phục của các nhà nghiên cứu, sẽ giúp ích cho những ai quan tâm đến thực trạng văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Các bài viết là nguồn tư liệu quý trong công tác giảng dạy các chuyên đề về văn hóa nói chung, văn hóa vùng miền và văn hóa Tây Nguyên nói riêng. Cuốn sách đặc biệt hữu ích đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh, và người nghiên cứu những lĩnh vực văn hóa học, xã hội học, nhân học, quản lý xã hội...

Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách có tính lý luận và thực tiễn về giá trị của văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững.



[1] Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên-PGS,TS Trương Minh Dục, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.


Full Text:

 Subscribers Only


DOI: http://dx.doi.org/10.1172/vjossh.v2i1b.109

Refbacks

  • There are currently no refbacks.


=====================================================

TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

ISSN 2354-1172